Du học sinh, thực tập sinh cần có biện pháp gì để tự bảo vệ mình khi ở Nhật


Đất nước Nhật Bản được cả thể giới ngưỡng mộ về sự an toàn khi sinh sống tại đây. Tuy nhiên, liên tiếp thời gian gần đây tại Nhật bản xảy ra những vụ bắt cóc, hiếp dâm, trộm cướp,… Vì vậy hãy cùng NGOẠI NGỮ DU HỌC SUNNY tìm hiểu những biện pháp để tự bảo vệ mình khi du học và làm việc ở Nhật Bản qua bài sau dây nhé.
Nhật Bản từ lâu vẫn được coi là đất nước an toàn như có thể đeo ví hay túi xách, balo phía sau mà không sợ bị giật hay rạch; quên không khóa xe, đi ra ngoài không khóa cửa phòng cũng hiếm khi bị mất trộm. Đặc biệt, rất nhiều người nước ngoài ngưỡng mộ nước Nhật vì nếu để quên đồ hay ví tiền trên tàu xe, bao giờ cũng được đưa tới đồn cảnh sát trả lại cho chủ.

Nơi thông báo mất đồ ở nhà ga tại Nhật Bản
Tuy nhiên, người Nhật tốt bụng thì nhiều mà kẻ xấu cũng không phải là ít.
Kẻ xấu đứng trong bóng tối, chúng ta không biết hắn nghĩ gì, lên kế hoạch gì nên chúng ta chỉ có thể phòng vệ để tránh khỏi những rắc rối hay những đáng tiếc có thể xảy ra.

1. Khi ra ngoài đường

Các bạn nữ sống một mình, đi làm về muộn hay đường vắng vẻ thì cũng nên mua cái còi để phòng vệ. Nên đeo ở quai túi xách hay trong túi áo quần để khi khẩn cấp có thể dùng được ngay, chứ để trong túi xách lúc cần tìm không ra. Khi có kẻ xấu xâm hại trên quai cặp sách, chỉ cần giật mạnh dây là còi sẽ phát ra tiếng kêu inh ỏi, làm kẻ xấu sợ hãi mà bỏ trốn.
Còi này chỉ khoảng 500 Yên bán tại shop đồ điện hay trên mạng, hoặc mua trong shop 100 Yên nhé.
Các bạn có thể vào các shop để mua còi tự động
Các bạn nữ cũng nên chuẩn bị cho mình bình xịt mồ hôi hay xịt cay đề phòng.


2. Khi ở trong nhà

Khi phơi đồ ngoài ban công nên phơi đồ lót bên trong các đồ khác để tránh những kẻ biến thái thích sưu tập đồ lót phụ nữ. 
Lời khuyên là bạn nên mua vài cái quần đùi của con trai ở shop 100 yên phơi cùng để cho kẻ xấu biết bạn đang sống chung với bạn trai hoặc chồng chứ không phải một mình.


Biến thái lấy quần lót đang mặc trên người tại Nhật
Đi đâu về tới nhà nên khóa cửa, móc khóa xích cẩn thận. Có ai gõ cửa cần nhòm kỹ xem là ai, nếu là người lạ thì không nên mở.
Khi đi thuê nhà, các bạn nên hỏi kỹ an ninh và đánh giá khu vực đó như thế nào. Ví dụ khu nhà nghèo, khu có nhiều người vô gia cư, nhà máy, lò giết mổ…. cũng nên suy nghĩ cân nhắc trước khi chọn nhà bởi giá nhà càng rẻ thì khả năng người không bình thường hay người đang nhận trợ cấp (không đi làm) sống nhiều và có thể xảy ra rắc rối.


3. Quản lý giấy tờ

Phải luôn cẩn thận trong việc quản lý giấy tờ tùy thân như hộ chiếu, thẻ lưu trú, sổ ngân hàng, thẻ my number, bằng lái xe,.. Những giấy tờ quan trọng này không bao giờ được cho bạn bè hay người quen mượn, bởi người ta có thể lợi dụng thông tin của mình để làm việc xấu làm mình bị liên lụy. Ở Nhật đã xuất hiện nhiều trường hợp mua sổ ngân hàng để làm việc xấu.
Nếu bạn của mình muốn mượn hộ chiếu, tốt nhất nên trả lời rằng mỗi người một quyển tại sao lại phải mượn. Các bạn cũng biết, không ít các vụ báo chí đưa tin người Việt hại nhau, lừa nhau ở Nhật. Vì vậy càng đề phòng càng tốt, khi không có người thân bên cạnh càng phải cảnh giác.
Cũng không nên cho số điện thoại hay địa chỉ, thông tin cá nhân của bạn bè hay người quen cho người khác biết. Trước khi nói nên hỏi chủ nhân một câu xem người ta có đồng ý hay không. Người Nhật cực kỳ khó chịu nếu tự ý cho thông tin của họ.

Khi ký kết hợp đồng thuê nhà, làm thẻ ngân hàng hay ký kết việc gì quan trọng, các công ty Nhật đều có giấy cam kết không cho kẻ thứ 3 biết thông tin cá nhân của khách hàng. Nếu có thì chỉ là những trường hợp cảnh sát hỏi.
Thông tin khách hàng cũng như thông tin của công ty đều được xử lý cẩn thận. Các giấy tờ có thông tin khách hàng như bằng lái xe, hộ chiếu nếu sao chép bị sai lệch thì họ đều cho vào máy cắt giấy rồi bỏ rác, chứ họ không tiếc mặt sau dùng làm nháp xong vứt thùng rác cả.

Còn ở nhà, khi nhận thư từ, quà tặng, mua đồ gì đó, trước khi vứt rác các bạn nên xé bỏ mác tên địa chỉ số điện thoại nhé. Có nhiều người chờ tới lúc xe chở rác tới rồi mới mang rác ra vứt. Rất nhiều người Nhật mua máy xé giấy tờ, đĩa CD DVD hay thẻ card, có máy quay tay, cũng có máy cắm điện, không đắt lắm mà yên tâm thông tin cá nhân của mình không bị lọt ra ngoài.

4. Không công khai quá nhiều thông tin lên mạng xã hội

Không nên đánh dấu địa điểm nơi mình đang ở hay thông tin cá nhân lên instagram, facebook. Ở Nhật, người ta ít dùng Facebook bởi họ sợ phải điền thông tin cá nhân rồi phải đăng ảnh lên mạng. Facebook thông minh tới nỗi có thể tìm ra cả bạn bè học cấp 1 tới những người có thể bạn quen biết, nên nhiều lúc tiện lợi quá cũng lắm nỗi lo. Họ chủ yếu dùng Twitter để than thở áp lực công việc hay chuyện gì đó.
Còn khi đăng ảnh có mặt người Nhật hoặc đánh dấu họ vào ảnh nên hỏi qua một câu các bạn nhé. Hoặc muốn kết bạn với người Nhật thì nên nhắn tin chào họ một câu và tự giới thiệu, xem họ có chấp nhận kết bạn với mình không.

Mong rằng những biện pháp này sẽ giúp các bạn phòng tránh được những nguy hiểm có thể xảy ra ở Nhật Bản.
Chúc các bạn học tập và làm việc tại Nhật Bản thành công!

Post a Comment

[blogger][disqus][facebook]

www.cayhoagiay.com

Contact Form

Name

Email *

Message *

Powered by Blogger.